Hades địa phủ Hades

Trong thần thoại Hy Lạp xưa, Hades là nơi ảm đạm, tối tăm, nơi linh hồn người chết tìm đến. Triết học Hy Lạp sau này thêm vào ý tưởng rằng linh hồn người chết sẽ bị phán xét ở địa phủ, tùy theo công tội mà thưởng phạt. Rất ít người phàm trần, trong số đó có Heracles, AenasPsyche, có thể đến đặt chân đến địa phủ mà có thể quay về.

Địa phủ được chia thành 3 vùng: vườn địa đàng Elysian (Elysium) dành cho linh hồn người tốt và anh hùng, vườn Asphodel dành cho người thường, và địa ngục Tartarus nơi giam giữ, và trừng phạt những linh hồn tội lỗi, độc ác và phản trắc. Sự phân chia này thực ra không nhất quán trong thần thoại. Có một số truyền thuyết lại kể về vườn Hesperides, nơi dừng chân của các anh hùng.

Trên đường đến địa phủ, người chết phải dùng một đồng tiền (mà thân nhân đặt vào miệng họ) để nhờ người lái đò Charon giúp vượt sông Acheron. Trong tác phẩm Aenid, Virgil kể về linh hồn của những kẻ ăn mày và những kẻ cô độc, vì không được chôn cất tử tế, phải dạt lại bên bờ sông, không có tiền để đi đò sang sông. Bờ bên kia sông được canh giữ bởi con chó ngao ba đầu Cerberus. Vượt qua Cerberus, linh hồn người chết tiến vào địa phủ để được phán xét.

Có năm dòng sông chảy qua địa phủ, mỗi dòng đều mang ý nghĩa tượng trưng riêng: Acheron (đau khổ, bất hạnh), Cocytus (than khóc), Phlegeton (lửa), Lethe (quên lãng), Styx (căm ghét). Trong số này, Styx, chia cắt ranh giới giữa dương gian và địa ngục, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thần thoại Hy Lạp, đến mức có thể ràng buộc lời thề của thần linh: Zeus thề rằng sẽ ban cho Semele bất cứ thứ gì nàng yêu cầu, và buộc phải thực hiện đúng lời thề, dẫn đến cái chết của Semele. Lời thề tương tự của thần mặt trời Helios đối với con trai mình, Phaeton cũng dẫn đến cái chết của anh ta. Trong một huyền thoại khác, tiên nữ Thetis, mẹ của Achilles, đã cầm gót chân đứa con sơ sinh của mình, nhúng cả thân người đứa bé xuống nước sông Styx, giúp Achiles trở nên bất khả xâm phạm ở mọi nơi trên cơ thể, chỉ trừ gót chân.

Liên quan